Từ lâu rồng được coi là con vật linh thiêng xuất hiện trong thần thoại văn hóa của hầu hết các nước châu Á, với trí tưởng tượng của con người rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Tuy nhiên, thực tế lại có rồng, đó là loài rồng đất Komodo ở Indonesia. Vậy rồng đất Komodo có đặc điểm như thế nào? Có độc và nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Rồng đất Komodo sinh sống ở đâu?
Loài rồng đất Komodo là một loài thằn lằn có thân hình khổng lồ, sinh sống chủ yếu ở đảo Komodo, Flores, Gili Motang và Rinca của Indonesia. Rồng đất Komodo bản chất là loài thằn lằn thuộc họ kỳ đà lớn nhất còn tồn tại đến thời điểm hiện tại. Kích thước của chúng có thể lên tới khoảng 3 mét với cân nặng đạt 70 kg.
Rồng đất Komodo thống trị nơi mà chúng sinh sống do có kích thước khổng lồ. Các loài động vật không xương sống, chim và động vật có vú đều là thức ăn ưa thích của chúng. Bên cạnh đó, vết cắn của rồng đất Komodo có chứa độc tố.
Rồng đất Komodo lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học phương Tây vào năm 1910. Chính vì số lượng có hạn mà hiện tại Indonesia coi loài động vật cần được bảo vệ và có hẳn 1 vườn quốc gia mang tên loài động vật này.
Rồng đất Komodo ưa thích sinh sống ở những nơi có khí hậu nóng, khô, và thường phân bố ở các vùng đồng cỏ, thảo nguyên và rừng nhiệt đới. Tốc độ của loài vật này lên tới 20 km/h, với khả năng lặn sâu dưới đáy biển là 4,5 m và trèo cây rất thành thạo.
Đặc điểm ngoại hình của rồng đất Komodo
Thường trong tự nhiên, rồng đất Komodo trưởng thành có cân nặng dao động 70 kg. Theo ghi nhận của sách kỷ lục Guinness, một con rồng đất Komodo đực có cân nặng khoảng 91kg, con rồng cái chỉ đạt 73 kg. Kích thước dài nhất đã được do là 3,13 m.
Rồng đất Komodo có đuôi khá dài và bằng chiều dài của thân. Rồng đất Komodo có 60 chiếc răng và thường xuyên được thay thế. Do thuộc họ thằn lằn nên chúng có lưỡi dài, màu vàng nâu. Da của rồng đất Komodo được bao phủ bởi lớp vảy giáp cứng, chắc.
Thính giác của loài Rồng đất Komodo rất kém phát triển, nhưng chúng có thị giác rất tốt có thể phát hiện các vật thể ở khoảng cách 300 m, nhưng có tầm nhìn ban đêm kém. Cũng giống như nhiều loài bò sát khác, rồng đất Komodo chủ yếu dựa vào lưỡi để phát hiện con mồi. Rồng đất Komodo phát hiện ra một con mồi chết hoặc sắp chết ở khoảng cách từ 4 đến 9,5 km.

Thức ăn của rồng đất Komodo
Rồng đất Komodo là loài ăn thịt, chúng sẽ thường xuyên thực hiện việc săn mồi của mình. Chúng sẽ từ từ tiếp cận con mồi, sau đó sẽ bất ngờ lao tới tóm gọn con mồi ở tốc độ cao. Rồng đất Komodo giữ chặt con mồi trong hàm răng chắc khỏe của mình.
Sau đó, rồng đất Komodo dùng bàn chân to khỏe giữ và xé những khối thịt lớn và nuốt trọn con mồi. Đối với những con mồi có kích thước nhỏ như dê, cừu chúng hoàn toàn có thể nuốt trọn con mồi mà không cần cắn xé.
Lượng thức ăn mà chúng có thể tiêu thụ bằng 80% trọng lượng cơ thể. Mỗi tháng rồng đất Komodo chỉ cần ăn một bữa no là đủ do quá trình trao đổi chất của chúng chậm.
Thức ăn ưa thích của rồng đất Komodo trưởng thành là các loài động vật không xương sống, các loài bò sát khác, chim, trứng chim, động vật có vú nhỏ, khỉ, lợn rừng, dê, hươu, ngựa và trâu nước.
Rồng Komodo có nguy hiểm không?
Rồng đất Komodo chỉ thỉnh thoảng chúng tấn công và cắn con người, nhưng không thường xuyên. Đôi khi do đói và thiếu thức ăn, nên chúng đào bới những ngôi mộ ăn để tìm xác người để ăn. Chính vì vậy mà cư dân ở đảo Komodo đã phải di chuyển ngôi mộ từ đất cát sang đất sét và chèn đá lên trên để ngăn chặn rồng đất Komodo phá hoại.
Bên cạnh đó, rồng đất Komodo cũng tấn công và gây tử vong cho con người. Theo số liệu ghi lại từ Vườn quốc gia Komodo từ năm 1974 đến 2012, đã có 24 vụ tấn công của rồng đất Komodo đối với con người với 5 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp này là cư dân địa phương sinh sống xung quanh vườn quốc gia.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong vết cắn của rồng đất Komodo có nọc độc. Chúng tiết ra một số protein độc hại khác nhau, có tác dụng ức chế đông máu, giảm huyết áp, gây tê liệt cơ và hạ thân nhiệt, dẫn đến sốc và mất ý thức ở con mồi.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng ngay cả khi rồng đất Komodo có protein giống nọc độc trong miệng, chúng vẫn có thể sử dụng độc tố này cho một chức năng khác, chứ không chỉ là để săn mồi.
Hình thức sinh sản của rồng đất Komodo
Loài Rồng đất Komodo thường giao phối trong khoảng thời gian từ giữa tháng Năm đến tháng Tám. Sau đó, Rồng đất Komodo cái bắt đầu đẻ trứng từ tháng 8 đến tháng 9. Con rồng cái đẻ trứng vào các lỗ, ổ ngụy trang để ngăn những con rồng khác ăn trứng của mình. Mỗi lần rồng đất Komodo cái đẻ khoảng 20 quả trứng với thời gian ấp từ 7 – 8 tháng.
Khi trứng đủ thời gian, những con non sẽ tự làm vỡ vỏ và chui ra. Sau đó, chúng nằm trong vỏ trứng hàng giờ trước khi bắt đầu chui khỏi ổ.
Rồng đất Komodo con thường sống trên cây, nơi chúng an toàn trước những kẻ săn mồi, bao gồm cả những con trưởng thành trong những năm đầu đời.
Rồng đất Komodo thành thục mất khoảng từ 8 đến 9 năm và có tuổi thọ lên tới 30 năm.
Hiện nay, theo báo cáo năm 2013, số lượng rồng đất Komodo trong tự nhiên là 3.222 con, vào năm 2014 chỉ còn 3.092 cá thể và giảm xuống chỉ còn 3.014 cá thể vào năm 2015.
Trên đây là những thông tin về sự phân bố, các đặc điểm và tập tính sinh sản cũng như thức ăn của rồng đất Komodo. Nếu các bạn muốn biết thêm nhiều thông tin về thiên nhiên quanh ta, hãy theo dõi các bài viết của chúng tôi.